TRANG VĂN THƠ

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

HỜN TRÁCH


Hờn giận ai kia bỏ chữ đồng
Để lòng quạnh quẽ lúc sang đông
Ân tình ta vẫn nồng men rượu 
Cái nghĩa người sao nhẹ cánh bông 
Mắt biếc chưa mờ tình nỡ dứt 
Môi hồng còn thắm nụ đành bong 
Hẹn hò chi kiếp sau đền trả
Duyên số rủi may sợ phập phồng
Hướng Dương
23/11/2013

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

CÔ GIÁO CỦA CON TÔI VÀ CUỘC THI VIẾT '' THẦY VÀ TRÒ ''



.CÔ GIÁO VŨ THỊ MỴ ( ÁO XANH ) VÀ HƯỚNG DƯƠNG

.

.
Cuộc thi viết: Thầy và trò 
Món nợ ân tình
19-07-2013 12:51
Người Thầy là hình tượng cao quý luôn được mọi thế hệ học sinh kính trọng và nhớ đến. Những lời tri ân, những câu chúc tụng có lẽ cũng không nói lên hết  phẩm chất và sự tận tâm, nhiệt tình của thầy cô. Không chỉ học sinh mới nhớ đến Thầy cô, là phụ huynh tôi thấy mình nợ các giáo viên đã từng dạy dỗ con tôi một món nợ ân tình rất lớn.

Lớp 9A1 năm học 2002-2003 trường THCS
   Nguyễn Công Trứ,  xã Suối Nghệ do cô Bảy làm chủ nhiệm

Niên học 2002 – 2003, con trai vào lớp 9. Gia đình tôi lúc ấy rất cơ cực, nhà ở sâu trong ruộng nên mỗi lần đến trường cháu phải đi bộ đến hơn 3 cây số. Chủ nhiệm lớp năm ấy là cô Nguyễn thị Bảy, rất quan tâm đến học sinh, cô thường hay tới nhà học trò để tìm hiểu hoàn cảnh  các cháu. Gia đình tôi cũng được cô giáo đến thăm, lần đầu đi trên bờ ruộng khi vào nhà tôi, không quen nên cả cô và thầy, chồng của cô, bị ngã và bẩn quần áo. Cứ tưởng như vây chắc cô không đến nữa, nhưng thỉnh thoảng cô vẫn vào thăm và giúp đỡ cháu học tập.

Thi tuyển vào lớp 10  con trai tôi đậu trường chuyên, nhà khó khăn nên niềm vui không át được nỗi lo tiền bạc cho cháu đi học, nhưng thầy cô ở trường đã đến động viên gia đình rất nhiều. Cô Bảy cũng vậy, ngày cháu sắp nhập học cô tự tay may cho chiếc áo trắng, nhìn cô đem áo vào nhà và gọi cháu mặc thử, tôi rưng rưng muốn khóc, xúc động vì tấm chân tình của cô.

Khi con xuống trường, chưa đăng ký ở ký túc xá  kịp nên phải mướn nhà trọ ngoài ở tạm, cô cùng chồng xuống tận Vũng Tàu để xem cuộc sống của cháu thế nào, nơi trọ có an ninh và yên tĩnh không?  Mỗi khi có dịp là vợ chồng cô lại đi thăm, trong khi tôi vì lo sinh kế nên đầu tắt mặt tối không còn thời giờ chăm sóc đến con nữa. Mọi sinh hoạt, học hành của cháu đều được các thầy cô ở trường nắm rõ và giúp đỡ kịp thời,  nhiều lúc tôi có cảm tưởng con mình là con chung của các thầy cô giáo vậy.

Vào trường chuyên , cháu được thầy cô của trường thương yêu dìu dắt  nên học hành rất tiến bộ, cuối năm lớp 12 một cú sốc trong học tập làm cháu chán nản và bỏ học. Vì ở xa nên mọi sinh hoạt của con, tôi không được biết kịp thời. Có những hôm không thấy cháu đi học, vậy là  sau tiết dạy, cô Vũ thị Mỵ  chủ nhiệm lớp 12 Hóa của cháu chạy xe khắp các quán game Vũng Tàu để tìm.
 


Cô Vũ thị Mỵ, “người mẹ” của lớp 12 Hóa

Có những đêm sợ cháu trốn đi chơi, thầy hiệu trưởng đến tận ký túc xá để kiểm tra. Không gặp được cháu, thầy để lại bức thư với những lời khuyên bảo chân tình thật cảm động. Được tin học trò cũ học hành sa sút, cô Bảy nhiều lần tìm để bảo ban nhưng vì mặc cảm, cháu cố tình tránh né. Thầy hiệu trưởng gặp riêng và giảng giải điều hay lẽ phải, cô Mỵ khuyên răn như người mẹ đối với con mình...Những tình cảm của thầy cô làm cháu thay đổi suy nghĩ, ân hận và trở lại học hành đàng hoàng...

Hôm nay cháu tốt nghiệp đại học với bằng giỏi, có việc làm ổn định và đã trưởng thành, đó là nhờ vào sự thương mến và  tấm lòng bao dung cao cả của thầy cô dành cho học trò.

Thời phong kiến vị trí người Thầy tôn kính được đặt trên cha mẹ, trong hoàn cảnh nào tôi cũng thấy đúng, ngoài kiến thức được thầy cô truyền thụ, những ân tình cao quý  đã vực cháu dậy khi vấp ngã, cho cháu lòng tin yêu cuộc sống khi vào đời. Tự trong sâu thẳm của lòng, tôi luôn ghi nhớ công ơn ấy và nhắc nhở con phải sống sao cho xứng đáng với niềm tin, tình thương yêu mà thầy cô đã dành cho.

Đó là cũng là lời tri ân chân thành gởi đến Thầy cô giáo của gia đình tôi.

                                                                                     Bài, ảnh: Đỗ Thị Ngọc Cầm